Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Chân dung doanh nhân Tăng Minh Phụng

Tăng Minh Phụng (1957-2003), tên thường gọi là Bảy Phụng, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Công ty TNHH Minh Phụng và là Phó Giám đốc Công ty TNHH EPCO.
Liên Khui Thìn vẫn còn nhớ rất rõ ấn tượng đầu tiên về Tăng Minh Phụng trong buổi gặp gỡ: Một người có khuôn mặt phúc hậu, dễ mến, nói năng nhẹ nhàng và ăn mặc hết sức giản dị. 
Tăng Minh Phụng là người có tài kinh doanh, điều đó không thể phủ nhận được. Nhưng Tăng Minh Phụng là người có tham vọng quá lớn. 
Vợ Tăng Minh Phụng đã từng chia sẻ: Niềm vui duy nhất của ông là con cái và đam mê lớn nhất là công việc. Không rượu chè, cờ bạc, trai gái.
Vào thời gian năm 1993-1996, qua các phương tiện thông tin đại chúng, người ta có thể thấy Công ty Minh Phụng nổi lên như là một "tập đoàn" kinh tế năng động và rất thế lực. Hình thành từ những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, với chức năng chủ yếu là sản xuất, gia công hàng may mặc, giày dép xuất khẩu, giai đoạn đầu Công ty Minh Phụng có những bước phát triển rất ổn định, doanh số có năm lên tới nhiều triệu USD. Tính đến trước khi xảy ra vụ án, Minh Phụng có tới 15 phân xưởng sản xuất gồm 10 phân xưởng may mặc, 1 phân xưởng chuyên ngành nhựa, một phân xưởng dệt gòn, một phân xưởng bao bì PP, 1 phân xưởng thiết kế mỹ thuật cho hàng hoá ngành may và 1 phân xưởng thiết kế vi tính. Quy mô sản xuất thời điểm cao nhất có trên 9.000 lao động. Vào thời gian đó, Minh Phụng đã khẳng định được uy tín trên thị trường trong và cả ngoài nước, điều mà ở thời điểm những năm đầu chuyển sang kinh tế thị trường, khó có thể tưởng tượng có ở một doanh nghiệp tư nhân.
Minh Phụng nhảy vào kinh doanh bất động sản (BĐS) khoảng từ 1992 trở đi, cho dù khi đó, hoạt động kinh doanh địa ốc của Minh Phụng bị coi là hoàn toàn bất hợp pháp, vì doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh BĐS. Tính về mức độ tăng trưởng, khó có doanh nghiệp nào có thể so sánh được với Minh Phụng. Đến đầu năm 1997, ngoài các nhà xưởng sản xuất về ngành may mặc, giày dép, các dây chuyển sản xuất hoàn chỉnh có tới hàng ngàn bộ máy may, tổng danh mục BĐS của Minh Phụng có tới 169 biệt thự, nhà ở, văn phòng các loại; hệ thống nhà xưởng tập trung, kho tàng tại các khu công nghiệp có 78 đơn vị với diện tích trên 1,2 triệu m2; đất chuyên dùng có trên 2,6 triệu m2. Các tài sản trên phân bố khắp địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Lâm Đồng… Xét ở khía cạnh nào đó, phải thừa nhận Minh Phụng khi đó thực sự là một đại gia về địa ốc.
Chỉ có điều, số tài sản khổng lồ này có được không phải nhờ sự thành công của chiến lược kinh doanh, không phải nhờ tiềm lực tự thân của doanh nghiệp này, mà hoàn toàn từ vốn vay ngân hàng. Thực chất, toàn bộ khối tài sản đồ sộ đứng tên Minh Phụng chỉ tồn tại như một thứ con tin, ngay khi ra đời, giấy "khai sinh" của nó - tức là toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu, đều lập tức quay trở lại các "nhà hộ sinh" - tức các ngân hàng cho vay vốn để Minh Phụng tạo dựng tài sản!
Do sự tăng trưởng quá nóng, đến giai đoạn 1993-1996, có thể nói Minh Phụng đã ở vào thế cưỡi trên lưng cọp. Không khó để hình dung sự khó khăn của Minh Phụng khi phải duy trì, phát triển khối tài sản khổng lồ trên. Trong khi vốn đầu tư cho kinh doanh địa ốc thì càng nhiều càng ít, nợ vay ngân hàng chồng chất, khả năng sinh lời từ tài sản không thể có được trong ngày một ngày hai. Lẽ dĩ nhiên khi không còn cách nào khác, Tăng Minh Phụng phải sử dụng các chiêu thức lừa đảo các ngân hàng để có vốn tiếp tục đầu cơ vào đất đai.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước vào thời điểm đó, một doanh nghiệp chỉ được vay vốn không quá 10% vốn tự có, để có thể được vay vốn, Minh Phụng đã thành lập hàng loạt công ty con, câu kết với các quan chức ngân hàng sử dụng trên 40 pháp nhân để vay vốn. 
Tính đến khi xảy ra vụ án, Minh Phụng đã thực hiện trên 600 hợp đồng tín dụng với 7 ngân hàng, với tổng dư nợ hàng ngàn tỷ đồng và hàng chục triệu USD. 
Cố vấn đối ngoại của Tăng Minh Phụng là Hoàng Quang Thuận. Lá thư cuối cùng của Tăng Minh Phụng viết từ phòng giam người có án tử hình có nói khá nhiều về Hoàng Quang Thuận.
Năm 1997-1998 thời điểm khủng hoảng kinh tế lần đầu tiên sau đổi mới từ 1985-1986 của Việt Nam diễn ra. Thị trường địa ốc khủng hoảng năm 1998 sau một thời gian tăng nóng quá mức.
Cũng giống nhiều doanh nghiệp khác, Minh Phụng mong muốn nhanh chóng chớp thời cơ, tích luỹ được càng nhiều đất càng tốt, chờ cơ hội sẽ bán ra được với giá cao hơn, điều này không phải là không có lý, vì đất đai không thể đẻ ra được. Ngay từ đầu Minh Phụng đã xác định đầu tư trên quy mô lớn, nhất quyết không làm ăn cò con, sự tăng trưởng quá nóng vô hình trung đã biến Minh Phụng trở thành một "đại lý" về địa ốc, la liệt nhà, đất khắp nơi. nếu trường vốn, thực sự có khả năng đầu cơ đất đai chờ đến chu kỳ sốt tiếp theo, hẳn là Minh Phụng đã phát tài. Song toàn bộ khối tài sản là từ vốn vay, giả sử có chờ được cơn sốt tiếp theo, thì khoản lợi nhuận thu được cũng khó có thể bù đắp cho số lãi mẹ đẻ lãi con, có lẽ bi kịch bắt đầu từ đây.
Đổ vỡ dây chuyền khiến công ty Minh Phụng không có khả năng trả nợ ngân hàng. Tăng Minh Phụng bị bắt giam ngày 24 tháng 3 năm 1997 về các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Ông bị tuyên án tử hình.

Tháng 5 năm 2003, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã bác đơn xin ân xá của Tăng Minh Phụng.

5h sáng ngày 17 tháng 7 năm 2003, Tăng Minh Phụng và Phạm Nhật Hồng bị hành quyết.

Ông Nguyễn Tấn Dũng (nay là Thủ tướng Chính phủ) làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo thi hành án phần tài sản vụ án Minh Phụng - Epco, thành lập theo Quyết định số 56/QĐ-TTg ngày 15/1/2002.
Vụ án đặc biệt về giá trị tài sản phải thi hành án, theo đó các bị cáo và các doanh nghiệp thuộc 2 nhóm Epco và Minh Phụng phải bồi thường và thanh toán các khoản nợ cho 6 Ngân hàng Thương mại: Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank, nay là Vietinbank), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sài Gòn Công thương Ngân hàng; Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Gia Định, tổng số tiền gần 6.000 tỷ đồng và 32,6 triệu USD. 
Bên cạnh đó, số tài sản phải xử lý để bảo đảm thi hành án gồm trên 390 danh mục gồm 476 đơn vị tài sản là nhà xưởng, dây chuyền sản xuất, máy móc, kho tàng, văn phòng, biệt thự v.v… khối tài sản này Toà án xác định tại thời điểm xét xử trị giá trên 2.232 tỷ đồng.
Dù bị coi là rất nóng vội, phiêu lưu nhưng không thể phủ nhận tầm nhìn khá xa, định hướng mang tính chiến lược của Minh Phụng khi đầu tư vào bất động sản tại các khu vực trên. Thực tế khi xử lý tài sản thế chấp sau này cho thấy, các danh mục tài sản thế chấp là nhà xưởng, kho tàng tại các khu công nghiệp đều có giá khá cao, với thời gian thuê khoảng 40-50 năm, chỉ tính riêng tiền khai thác có ngân hàng đã thu được hàng trăm tỷ đồng.

Đối với tài sản là biệt thự, văn phòng, nhà xưởng tại khu vực TP Hồ Chí Minh, phần lớn giá bán thực tế đều cao hơn rất nhiều so với giá Tòa án định khi xét xử. Riêng đối với các lô đất mà Minh Phụng đã lập các dự án tại khu vực Thủ Đức trước đây (nay thuộc quận 2), theo quy hoạch của TP Hồ Chí Minh, hầu hết số này nằm ở các vị trí rất đắc địa, lợi nhuận chắc chắn sẽ rất lớn. Do vậy, có ngân hàng được Tòa án giao cho một số lô đất tại khu vực quận 2, TP Hồ Chí Minh, chưa cần phải triển khai xây dựng dự án, cũng không cần đầu tư hạ tầng, qua phiên đấu giá một lô thôi đã thu đủ toàn bộ số nợ trên 15 triệu USD, ngoài ra đơn vị này còn dư ra được số tiền và tài sản trị giá cả chục triệu USD.

Kinh nghiệm từ Minh Phụng cho thấy, chỉ cần Nhà nước có sự điều chỉnh về quy hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu, thì không chỉ các dự án của Minh Phụng - Epco mà hàng loạt các nhà đầu tư khác tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu rơi ngay vào tình trạng tê liệt, phá sản, với thực tế này, có lẽ sự trả giá của Minh Phụng - Epco vẫn còn chưa hết tính thời sự. Có nhiều rắc rối liên quan tới việc thi hành án. Nhiều tài sản bị định giá quá thấp gây thiệt hại cho bản thân các bị cáo. Kết quả định giá khối tài sản của 2 nhóm Minh Phụng và Epco từng gây nên cuộc tranh luận rất gay gắt trong quá trình tố tụng, chắc nhiều người còn nhớ hình ảnh vị luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đã rơi lệ cay đắng ngay trong phiên tòa khi nghe kết quả thẩm định giá tài sản, vì "mỗi mét vuông đất được tính bằng giá ba cây kem".

Theo lời kể của Liên Khui Thìn, nguyên tổng giám đốc công ty EPCO, thì có nhiều nguyên nhân dẫn tới công ty Minh Phụng đổ bể. Trong đó gồm: 
tư duy chủ quan nóng vội, sử dụng đòn bẩy quá mức, lừa đảo vay tiền ngân hàng, khủng hoảng kinh tế tiền tên trên thế giới và ở Việt Nam năm 1997-1999, thay đổi quy hoạch của Chính Phủ Việt Nam, môi trường pháp lý non yếu không bảo vệ các công ty tư nhân.
Dư luận cho rằng toàn bộ tài sản to lớn của Minh Phụng bao gồm hệ thống các xưởng sản xuất may mặc, nhiều nhà cửa, khách sạn và đất đai bị nhà nước tịch biên, nếu được bán theo giá thị trường, Minh Phụng có khả năng hoàn trả nợ dễ dàng và chỉ phải chịu hình phạt về gian lận tài chính, nhưng không đến mức bị tử hình.

Theo bài nghiên cứu "Self-interest and ideology: bureaucratic corruption in Vietnam" của J Gillespie đăng trên Australian journal of Asian law, 2001, cho thấy vự xử án Minh Phụng - EPCO có nhiều vấn đề sai trái về phía cơ quan tư pháp và hệ thống luật pháp của Chính phủ Việt Nam. 
Một số tội áp đặt cho Tăng Minh Phụng đáng nhẽ có thể được giảm nhẹ. 
Vụ xử án cũng bị thiên lệch do ý chí chính trị của Đảng Cộng sản Việt nam vào thời gian này, theo đó muốn triệt hạ những trùm tư bản có khả năng phát triển mạnh như Tăng Minh Phụng. 
Quyết định không cho phép doanh nghiệp tư nhân trong nước được nhận vốn từ doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là Singapore và Đài Loan cũng góp phần khai tử cho Tăng Minh Phụng.
Nguồn: Wiki

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chúng tôi sẽ cập nhật ý kiến của bạn ngay sau khi kiểm duyện nội dung